”Chìa khóa” của nền nông nghiệp hiện đại

Tưới tự động, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất…; chọn tạo được giống vật nuôi năng suất, chất lượng; quy trình chăn nuôi khép kín, chuồng trại được làm mát về mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông… Những công nghệ tiên tiến đã và đang được nhiều nông dân Hà Nội ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Đây được xem là hướng đi tất yếu, “chìa khóa” của nền nông nghiệp hiện đại mà Thủ đô có nhiều lợi thế.
trong-dua-1626576347.jpg
Trồng dưa lưới trong nhà kính tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Hiệu quả hơn nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất

Dưới cái nắng chang chang của ngày đầu tháng 7, những thửa ruộng của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) vẫn xanh tốt, rau không bị cháy lá, dưa lưới cho quả đều và sai. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Thành quả đó là nhờ đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng các nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Kinh phí đầu tư không quá lớn (khoảng 1 triệu đồng/sào) nhưng đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, giảm sức lao động cho nông dân, tưới đúng, đủ lượng nước, tránh lãng phí…

Cách đây vài năm, Hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ đã phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Ngoài ra, Hợp tác xã đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp cho Ban giám đốc dù ở bất kỳ đâu cũng có thể dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình… Nhờ sản xuất rau, quả bằng công nghệ cao, mỗi ngày Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn thu mua gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết. Sản phẩm được cung cấp cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học theo hợp đồng liên kết.

Còn tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), mô hình sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao khiến nhiều người thán phục. Trên diện tích 3ha, trong đó diện tích nuôi trồng nấm là 3.000m2, Công ty đã đầu tư 3 triệu USD để xây dựng hạ tầng, mua sắm dây chuyền công nghệ sản xuất đóng gói nấm của Nhật Bản. Theo bà Dương Thị Thu Huệ – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cho biết: Quy trình làm nấm đều được thực hiện bằng máy, từ khâu trộn và hấp nguyên liệu, đưa vào phòng ươm giống, sau đó chuyển sang phòng nuôi nấm trong các nhà lạnh, được quản lý bằng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng riêng theo từng chu kỳ của cây. Quá trình đóng gói và thu hoạch sản phẩm cũng được máy móc hỗ trợ với công suất đóng gói 300 – 400kg/giờ. Nhờ dây chuyền sản xuất hiện đại, công ty có thể sản xuất được 3 tấn nấm/ngày. Hiện đơn vị đang tạo việc làm cho 25 lao động địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thống kê đến hết tháng 4-2021, toàn thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. “Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tuy quy mô nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội” – ông Chu Phú Mỹ cho biết.

Không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều nông dân trẻ, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã ở nông thôn cũng đã nhanh nhạy bắt nhịp với thị trường thương mại điện tử. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: Đầu tháng 6-2021, lần đầu tiên đơn vị phối hợp với một số cơ quan tổ chức “Ngày hội livestream sản phẩm OCOP Hà Nội”, trong đó có rất nhiều sản phẩm nông sản, thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Anh Phùng Đắc Dũng, thành viên Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tiếp cận khách hàng là vô cùng khó. Chúng tôi phải làm quen dần với các hình thức livestream để chia sẻ giá trị sản phẩm, đồng thời tiếp cận hàng nghìn khách hàng trên mạng xã hội bởi đây vừa là giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh, vừa là kênh bán hàng phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại”.

Tiếp tục thúc đẩy các mô hình tiên tiến

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Con số 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Nội đã thực hiện đến nay còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Chưa kể, các mô hình trên địa bàn Hà Nội mới chỉ được ứng dụng công nghệ cao ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Hà Nội vẫn chưa có khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa…

Có nhiều nguyên nhân khiến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Hà Nội còn khó khăn. Để đầu tư cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn lớn, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội đa số là nông hộ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Đất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, nông dân lại thiếu sự liên kết, hợp tác để có vùng sản xuất lớn cho đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm… Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, thành phố cần có giải pháp tháo gỡ những nút thắt trong tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích thành lập các hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành, đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp…

Đối với thương mại điện tử, nhiều nông dân vẫn còn lúng túng. “Tôi đã biết đến livestream sản phẩm nhưng mỗi lần thực hiện, lượng người xem và tương tác vẫn còn khiêm tốn. Rất cần được cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo, tập huấn để có thêm kinh nghiệm” – anh Phùng Đắc Dũng, thành viên Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé cho biết.

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025” tiếp tục xác định: “Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Về mục tiêu cụ thể, “Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%”.

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp để mỗi người dân trở thành chuyên gia. Hà Nội khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và chế biến. Thành phố cũng sẽ xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong nước và quốc tế; thực hiện chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sâu; đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *