Nông nghiệp là gì?
Nông nghiệp là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhất thế giới với “độ tuổi” kéo dài từ năm 10.000 trước công nguyên. Nông nghiệp là quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc từ việc thực hiện các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi. Nông nghiệp gồm một 3 nhóm ngành chính là khoa học cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Những đặc điểm nổi bật của sản xuất nông nghiệp tạo sự khác biệt với các ngành khác là:
- Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu: Đất đai là yếu tố không thể thay thế, quyết định quy mô và hướng sản xuất, đòi hỏi phải sử dụng hợp lý và bảo vệ đất.
- Đối tượng sản xuất là cây trồng và vật nuôi: Sản xuất nông nghiệp làm việc với các sinh vật sống, nên cần hiểu và tôn trọng các quy luật sinh học và tự nhiên.
- Sản xuất có tính mùa vụ: Do thời gian sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi dài, dẫn đến tính mùa vụ. Để giảm thiểu, cần đa dạng hóa sản xuất và phát triển ngành nghề phụ.
- Phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên: Cây trồng và vật nuôi cần các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ, nước, ánh sáng, không khí và dinh dưỡng để tồn tại và phát triển.
- Nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa: Xu hướng này dẫn đến sự phát triển các vùng chuyên môn hóa và đẩy mạnh chế biến nông sản để tăng giá trị thương phẩm.
Vai trò của ngành Nông nghiệp đối với phát triển kinh tế ra sao?
Những năm gần đây, ngành học này đã trở nên rất phát triển nhờ những thay đổi về môi trường, khí hậu và các phương pháp mới. Tại Việt Nam, nông nghiệp vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì nước ta vẫn là một trong những nước xuất khẩu gạo cũng như nông sản lớn nhất thế giới.
Cung cấp lương thực thực phẩm
Nông nghiệp đảm bảo lương thực thực phẩm cho xã hội, quyết định sự tồn tại và phát triển kinh tế. An ninh lương thực là nền tảng cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Cung cấp đầu vào cho công nghiệp và đô thị
Nông nghiệp cung cấp lao động, nguyên liệu và vốn cho công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến. Đây là nguồn lực lớn trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa.
Thị trường tiêu thụ cho công nghiệp và dịch vụ
Nông nghiệp và nông thôn dần trở thành thị trường tiêu thụ lớn cho sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tham gia xuất khẩu
Nông nghiệp là ngành đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn từ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, giá cả thế giới thường bất lợi cho nông nghiệp, đòi hỏi các quốc gia phải đa dạng hóa sản xuất để tăng thu nhập.
Bảo vệ môi trường
Nông nghiệp gắn liền với môi trường tự nhiên, nhưng cũng có thể gây ô nhiễm và xói mòn. Các nước phát triển luôn chú trọng giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Học gì trong ngành Nông nghiệp?
Khoa học kỹ thuật phát triển đồng nghĩa với xu hướng hiện đại hóa công việc làm nông. Do đó, chương trình Cử nhân Nông nghiệp sẽ giúp học viên tiếp cận những kiến thức liên ngành trên cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trải dài từ các ngành sinh học, khoa học môi trường, hóa học, kinh tế và quản trị kinh doanh.
Cụ thể, bạn sẽ được xây dựng một nền tảng khoa học vững chắc về nông nghiệp, có khả năng tổ chức và quản lý hệ thống nông nghiệp để phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp bền vững thông qua:
- Nghiên cứu sinh học
- Môi trường tự nhiên
- Sản xuất nông nghiệp
- Khoa học nông nghiệp
- Công nghệ di truyền
- Công nghệ chế biến thực phẩm
- Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi
Tiếp đến, bạn có thể lựa chọn các ngành/nhóm môn học (module) để cá nhân hóa bằng cấp của mình. Phạm vi và cách thức kết hợp của những mảng này sẽ tùy thuộc vào chương trình giảng dạy của từng trường, chẳng hạn như:
- Một số khóa học nông nghiệp tập trung vào việc trang bị kiến thức cho sinh viên làm việc ở môi trường quốc tế – bao gồm các chủ đề như nền kinh tế dựa trên sinh học, tính bền vững trên quy mô toàn cầu hay hệ thống lương thực toàn cầu.
- Ngược lại, một số khác lại tập trung vào những phương pháp nông nghiệp đang được áp dụng tại một quốc gia hoặc khu vực cụ thể, hoặc trên một khía cạnh nông nghiệp cụ thể như canh tác nông nghiệp, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp, chăm sóc động vật, thực tiễn bền vững hoặc quản lý tài sản lớn.
Những chuyên ngành phổ biến nhất trong nông nghiệp phải kể đến:
- Trồng trọt
- Chăn nuôi gia súc
- Lâm nghiệp
- Làm vườn
- Quản lý đất
- Quản lý nông thôn, trang trại
Ngoài ra, tại các trường khoa học ứng dụng, sinh viên sẽ được tập trung vào các ngành học như kinh tế, phát triển bền vững và hệ thống thực phẩm… đồng thời trải nghiệm được nhiều kỹ năng và hiểu biết về các nguyên tắc về khoa học, đạo đức và thương mại trong nông nghiệp.
Đặc biệt, hầu hết các khóa học trong lĩnh vực này thường đi kèm những cơ hội thực hành giá trị. Một số trường đại học thậm chí còn đầu tư các trang trại riêng, như Đại học Aberystwyth ở Anh sở hữu trên 2.500 mẫu đất nông nghiệp để sinh viên có cơ hội thực hành. Nhờ đó, sinh viên sẽ được tiếp cận một khối lượng lớn kiến thức qua nhiều phương thức giảng dạy kết hợp, từ các bài giảng trên lớp, hướng dẫn, phòng thí nghiệm đến các buổi thực hành tại trang trại của trường.